Chúa Nhật II Mùa Vọng C – Sẽ Thấy Ơn Cứu Độ – Giải thích bản văn Tin Mừng

06/12/2018

Lc 3,1-6: Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

 Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Nằm trong văn mạch của việc chuẩn bị sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (3,1-4,13), đoạn 3,1-6 nói về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Luca còn bàn thêm về lời rao giảng của ông (3,7-18) và việc ông bị tống ngục (3,19-20). Phần còn lại nói đến các biến cố của Chúa Giêsu trước khi Người đi rao giảng công khai (3,21-4,13). Đoạn 3,1-6 có thể được phân chia như sau: – 1/ Bối cảnh lịch sử và tôn giáo (3,1-2); – 2/ Công việc của Gioan (3,3-6).

Luca thích đặt các biến cố của Chúa Giêsu và Gioan trong bối cảnh lịch sử đời và tôn giáo (3,1-2). Về lịch sử đời (3,1), ba người liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu và Gioan là Tibêrius Cêsarê (2,1; 3,1; 20,22.24.25; 23,2); Philatô, tổng trấn miền Giuđêa (3,1; 13,1; chương 23); Hêrôđê, tiểu vương vùng Galilêa (3,1; 3,19; 8,3; 9,7.9; 13,31; 23,7.8.11.12.15). Philatô là người xét xử Chúa Giêsu; trong khi, Hêrôđê là người ra lệnh lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Về lịch sử tôn giáo (3,2), có hai thượng tế Anna (3,2) và con rể của ông là Caipha (Mt 26,3.57; Ga 11,49; 18,13.14.24.28). Về phần Gioan, cách nói “Lời Chúa đến cùng Gioan con ông Zacharia” ngụ ý ông là ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến, tương tự như Giêr 1,2; Ôs 1,1; Mic 1,1 và Hag 1,1. Điều nầy còn quy chiếu về chương Lc 1-2, trong đó nói đến sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa trong việc giáng sinh của Gioan. Để làm ngôn sứ, ông được đổ đầy tràn Thánh Thần từ khi mới sinh (1,15.44), và được kêu gọi đi làm ngôn sứ của Đấng Tối Cao. Sống “trong hoang địa” (1,80; 3,2; 7,24-28) Gioan được xem là ngôn sứ đã được hứa từ trong Cựu ước (Xh 23,20; Mal 3,1). Ông đến để chuẩn bị lối đi cho Chúa (x.1,76).

Đoạn tiếp theo (3,3-6) nói đến nơi chốn và sứ vụ của Gioan. Vùng chung quanh sông Giorđan là nơi ông rao giảng về phép rửa tỏ lòng sám hối. Sám hối và tha thứ tội lỗi để được cứu độ là chủ đề chính trong lời rao giảng không chỉ của Gioan, mà cũng của Chúa Giêsu và các tông đồ (Mc 1,15; Lc 5,32; 5,32; 15,7; 5,20-24; 7,47-49; Cvtđ 2,38). Trước tiên việc nầy được rao giảng cho dân Israel (3,3), sau cùng cho mọi dân tộc (24,47). Sự sám hối chân thật là thay đổi tận căn tâm hồn và trí óc như là nguồn gốc để có thể sinh hoa trái tốt (x.6,43-45). Đối với dân Israel, sám hối là không còn cậy thế “thuộc về dòng dõi Abraham” nữa (x.3,8), mà phải lắng nghe và chú tâm vào Thiên Chúa và ý muốn của Người.

Trích dẫn của Is 40,3-5 trong những câu Lc 3,4-6 được dùng như là nội dung của lời Gioan rao giảng, “như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia”, bởi vì Gioan lấy tinh thần và quyền năng của Isaia mà đến rao giảng cho dân (x.1,17). Trích dẫn nầy nằm ở khởi đầu tập sách Isaia 40-55, trong đó loan báo sự tha thứ và hy vọng. Những đau khổ của dân Israel bị lưu đày ở Babylon được giải thích như là sự trừng phạt của Thiên Chúa đã qua rồi (39,6-7). Thiên Chúa sẽ trở lại đền thờ Giêrusalem và cư ngụ lại trong đó. Bởi đó, phải dọn đường để chuẩn bị cho ngày Ngài trở lại. Ngày ấy cũng là ngày Ngài tỏ vinh quang và sự cứu độ cho toàn dân. Luca đã cố ý sửa đổi một vài chi tiết nhỏ trong bản văn của Isaia 40,3-5 với dụng ý chỉ việc Chúa Giêsu sắp đến. Câu 3,4 là một lời kêu gọi gồm hai mệnh lệnh: “Hãy dọn đường” và “Hãy làm”. “Chúa” ở đây là Đấng Cứu Độ, Đức Kitô (2,11). Gioan không chỉ kêu gọi dân chúng chuẩn bị đường cho Chúa đến, mà chính ông cũng đang làm việc đó (x.7,29-30, 31-35; 20,1-8). “Đường” cũng chính là lối sống. “Đường thẳng” theo nghĩa đen là đường dễ đi nhất trong sa mạc. Nghĩa bóng của nó là “ngay chính”, “ngay thẳng” (x.Cv 8,21; 13,10). Con đường ngay thẳng sẽ dẫn ơn cứu độ đến.Các hình ảnh minh họa cách ẩn dụ về việc dọn đường ngay thẳng trong câu 3,5 gồm bốn yếu tố phân thành hai cặp. “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy – mọi núi đồi phải bạt cho thấp” và “khúc quanh co phải uốn cho ngay – đường lồi lõm phải san cho phẳng”. “Hạ thấp xuống” ám chỉ việc Thiên Chúa yêu thích những người khiêm nhượng (1,52; 14,11; 18,14). “Đường quanh co” là đường gian tà (x.Cv 2,40). Mục đích của việc dọn đường là để thấy ơn cứu độ (3,6). Theo lời của Simêon, “ơn cứu độ của Thiên Chúa” chính là Chúa Giêsu. Nơi Người ơn cứu độ được thực hiện viên mãn (x.2,30). Ơn nầy được mở ra cho “mọi xác phàm”; chính là toàn thể nhân loại (x.2,11.32; 3,6). Vậy, khi kêu gọi chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, Gioan cũng mời gọi mọi người đáp trả. Do đó, phép rửa, ơn tha tội và ơn cứu độ đi chung với nhau và không thể tách lìa nhau.

 Phải dọn đường để Thiên Chúa có thể trở lại, nhưng không phải tại Giêrusalem hay bất cứ nơi nào, mà trong lòng mỗi người,vì  mỗi người là đền thờ quý trọng nhất của Ngài.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến