Chúa Nhật II Mùa Thường Niên C – Dấu Lạ Đầu Tiên – Giải thích bản văn Tin Mừng

16/01/2025

Ga 2,1-12: Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

 Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.

Đoạn 2,1-12 nằm trong tiết đoạn 2,1-4,54, mở đầu với dấu lạ thứ nhất ở Cana là nước hoá thành rượu và kết thúc với dấu lạ thứ hai cũng ở Cana là em bé được chữa lành. Kết thúc đoạn 1,35-51, Chúa Giêsu nói là “Anh sẽ thấy những điều lớn lao hơn nữa”. Dấu lạ ở Cana là điều lớn lao đầu tiên mà Chúa Giêsu đã thực hiện theo như lời Người đã nói với Nathanael (1,50). Các dấu lạ tiếp tục được thực hiện trong suốt chương 1-12, mà cao điểm là dấu lạ Lazarô được sống lại (11,1-44). Có thể phân chia bố cục đoạn 2,1-12 như sau: 1- Bối cảnh của tiệc cưới thiếu rượu (2,1-3a); 2- Trước dấu lạ: cầu xin can thiệp (2,3b-5); 3- Dấu lạ xảy ra: can thiệp và xác nhận (2,6-10); 4- Lời của thánh sử và kết luận (2,11-12).

Đoạn 2,1-12 được mở đầu với bối cảnh thời gian của câu chuyện là “vào ngày thứ ba”, không gian là ở Cana và các nhân vật hiện diện “ở đó” là mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, và sự việc xảy ra là “rượu đã hết rồi” (2,1-3a). Đoạn nầy kết thúc và đóng lại với ghi nhận là những người nầy đi khỏi Cana mà xuống Capharnaum và lưu lại “ở đó” nhiều ngày (2,12). Trong tin mừng theo thánh Gioan, “mẹ của Chúa Giêsu” xuất hiện ở ngay khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu (2,1.3.5.12) và ở kết thúc sứ vụ của Người (19,25.26.27). Những lúc ấy luôn luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu và các môn đệ của Người; ít là môn đệ Gioan dưới chân thập giá. Có thể nói mẹ là nhân vật chính cộng tác với Chúa Giêsu để dấu lạ có thể xảy ra: rượu tràn trề tại Cana, và máu cứu độ chảy ra từ cạnh sườn của Người (19,34). Lần đầu tiên các môn đệ làm thành một nhóm, và họ chứng kiến dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu thực hiện (2,11). Họ còn chứng kiến nhiều dấu lạ khác nữa, nhất là sự sống lại của Người (x. 20,30).

Phần 2,3b-5 là cuộc đối thoại giữa mẹ với Chúa Giêsu để cầu xin Người can thiệp. Chính mẹ nhận ra rượu thiếu và nói điều lên ấy cho Người biết. Đáp lại là một lời kép soi sáng lẫn nhau: “Thưa bà, liên can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.”  (2,4). Người gọi mẹ bằng “bà” (x. 19,26), ám chỉ khoảng cách giữa Người và mẹ Người. Khoảng cách ấy được thiết lập bởi “giờ” mà Người quả quyết trong câu trả lời tiếp theo. Đó là giờ chết trên thập giá do Thiên Chúa quyết định (x. 13,1; 17,1). Giờ ấy cũng là giờ tôn vinh Thiên Chúa và tôn vinh Người. Trong khía cạnh nầy, Chúa Giêsu hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và chỉ tương quan giữa Thiên Chúa với Người là quyết định, chứ không phải với mẹ của Người. Như thế, để vinh quang của Người có thể được bày tỏ qua dấu lạ nước biến thành rượu, cần ý muốn của Thiên Chúa hơn là lời nài xin của mẹ.

Phản ứng của mẹ bảo các gia nhân làm theo lời Chúa Giêsu nói gây kinh ngạc không kém lời Người trả lời với mẹ. Việc bảo các gia nhân làm theo lời Người nói (2,5) ám chỉ một cách gián tiếp là mẹ tin vào lời Người nói; và mẹ dạy các gia nhân cũng hãy làm như mẹ. Từ đầu tin mừng Gioan gọi Chúa Giêsu là Lời (logos), đã đến thế gian (1,1.14). Ai tin vào Người thì sẽ được làm con Thiên Chúa (1,12). Như thế, Mẹ là người đầu tiên tin vào Lời nầy, tiếp theo đó sẽ là các môn đệ (x. 2,11.22) và nhiều người khác nữa (4,41). Đàng khác, dựa vào sự kiện đã xảy ra tại Cana, giờ tôn vinh Chúa Giêsu đã bắt đầu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là giờ sau cùng và cũng là cao điểm của việc tôn vinh Người.

Phần 2,6-10 mở đầu bằng khung cảnh chuẩn bị cho việc can thiệp của Chúa Giêsu (2,6). Ngoài ghi nhận về số lượng và khả năng chứa của các chum đá, đáng chú ý đến sự kiện là “nước dùng để thanh tẩy theo thói tục người Dothái”. Nước nầy sẽ chuyển thành rượu ngon khi Chúa Giêsu đến và can thiệp. Đây là lúc mà sự cứu độ sẽ chuyển sang thời kỳ khác; thời của rượu mới (x. Mt 9,17; Mc 2,22; Lc 5,37). Gioan đã không trình bày lúc nào thì nước biến thành rượu, mà chỉ cho thấy kết quả của sự kiện và hiệu quả trên các môn đệ. Trái lại, ông cho thấy một loạt những lời và hành động từ những người hiện diện trong bữa tiệc hôm đó. Là nhân vật chính làm nên dấu lạ nầy, Chúa Giêsu ra hai mệnh lệnh cho các gia nhân, như mẹ đã tiên đoán: đổ nước đầy các chum đá (2,7), và múc từ các chum ấy mà đem đến cho người chủ tiệc (2,8). Mẹ đã lui vào hậu trường sau khi đã căn dặn các gia nhân. Phần các gia nhân, họ hành động cách hoàn hảo theo lời Chúa Giêsu dạy. Phần thưởng của họ là “biết rượu từ đâu mà ra” (2,9a); trong khi người chủ tiệc chỉ xác nhận được là có rượu ngon (2,9a). Như thế, để có rượu ngon phải làm theo lời của Người.

Trong lời của chủ tiệc nói với tân lang, ông hàm ý tân lang chịu trách nhiệm về việc thiết đãi rượu trong bữa tiệc (2,10). Ông minh xác rượu được mang ra lúc ấy là tuyệt hảo hơn rượu đã uống cạn. Và ông thắc mắc là sao “đến bây giờ” mới được mang ra. Không chút nghi ngờ là khuôn mặt “tân lang” đây chính là Chúa Giêsu (x. 3,28-29). Giờ của Người trong lời đáp lại mẹ nói là “chưa đến” (2,4), nay đã đến. Chính Người ban rượu tuyệt hảo. Chắc chắn là rượu nầy trổi vượt hơn lề luật cũ, hơn “nước dùng để thanh tẩy theo thói tục người Dothái”. Như thế, đây là thời điểm quan trọng và quyết định, nhưng mới là khởi đầu.

 

Trong các Tin mừng nhất lãm, các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện được gọi là “những việc quyền năng” (Mt 11,20; 13,54; Mc 6,2; Lc 4,36); trong khi Gioan gọi đó là các “dấu lạ” ( 2,23; 3,2; 6,2.14.26.30; 7,31; 9,16; 10,41; 11,47; 12,18.37). Dấu lạ bao gồm hai yếu tố: – bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu (x. 11,4.40; 17,24 và – thúc giục lòng tin vào Người nơi người nhìn thấy dấu lạ  (x. 2,23; 4,48; 6,30; 7,31; 12,37). Như thế, các môn đệ dù đóng vai trò thụ động trong bữa tiệc, đã nhìn thấy “điều lớn lao hơn” được loan báo cho Nathanael (1,50) và qua đó, họ thấy vinh quang của “Lời trở thành xác phàm” đang ở giữa họ (1,14). Và họ đã tin vào Người (2,11).

Những độc giả của đoạn tin mừng nầy đều được mời gọi tin vào Chúa Giêsu Kitô và dự phần vào vinh quang của Người khi thông phần vào rượu tuyệt hảo Người ban.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến