Chúa Nhật I Mùa Chay C – Người Chịu Cám Dỗ – Giải thích bản văn Tin Mừng

07/03/2019

Lc 4,1-13:  Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.

 Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

 Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

Đoạn 4,1-13 là trình thuật cuối cùng trong tiết đoạn 3,1-4,13, nói đến việc chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngay sau đoạn nầy, Người bắt đầu rao giảng công khai. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Bối cảnh của việc cám dỗ (4,1-2a); – 1/ Cám dỗ về bánh (4,2b-4); – 2/ Cám dỗ về quyền lực (4,5-8); – 3/ Cám dỗ về thử thách Thiên Chúa (4,8-12); – Kết luận. Ba cám dỗ không có tính cách riêng lẻ, mà liên hệ với nhau rất chặt chẽ xoay quanh bản thân Chúa Giêsu. Mỗi phần có kết cấu chung tương tự nhau: – Bối cảnh riêng của mỗi phần; – Ma quỷ đưa ra một lời đề nghị; – Chúa Giêsu lấy một câu kinh thánh để đáp lại.

Nơi Chúa Giêsu chịu cám dỗ là hoang địa. Hành trình của Người là từ các vùng của Giorđan đi vào trong hoang địa, ngược hướng với hành trình của Gioan Tẩy giả (3,2-3). Gioan vào đó để nghe tiếng Thiên Chúa; còn Chúa Giêsu, nghe tiếng ma quỷ cám dỗ. Người chịu cám dỗ do ý muốn của Chúa Cha, “được dẫn vào”, và trong liên đới với Thánh Thần, “đầy Thánh Thần” và “trong Thánh Thần” (4,1). Bốn mươi, có thể là bốn mươi năm hoặc bốn mươi ngày, là con số biểu tượng để chỉ một giai đoạn quyết định. Đối với dân Israel, đó là thời kỳ thử thách và trách phạt. Đối với Môsê, đó là thời kỳ gần gũi với Thiên Chúa để viết nên Mười Giới Răn (Xh 24,18; 34,28;  Đnl 9,9.11.18; 10,10). Đối với Chúa Giêsu, đó là thời kỳ thử thách và vâng phục trước khi bắt đầu sứ vụ. Luca dùng chữ hoặc là “ma quỷ, diabolos” (Lc 4,2.3.6.13; 8,12) hoặc là “Satan” (Lc 10,18; 11,18; 13,16; 22,3.31). Hoạt động của ma quỷ chính yếu là cám dỗ: cám dỗ Chúa Giêsu (4,1-13) và các môn đệ của Người (8,13; 22,3.31.40.46). Dịp thuận tiện mà ma quỷ đến lại để cám dỗ Chúa Giêsu (4,13) chính là lúc Người ở trong vườn Giếtsêmani (22,28.40.46). Mục đích của cám dỗ là làm nên bất trung với Thiên Chúa.

Cám dỗ về bánh (4,2b-4). Bối cảnh là suốt bốn mươi ngày Chúa Giêsu không ăn gì cả, nên Người đói. “Con Thiên Chúa” đã được xác định trong biến cố phép rửa, “Con của Tôi” (3,22). Hậu cảnh của cám dỗ nầy là việc Thiên Chúa thử lòng dân Israel trong hoang địa. Người làm cho họ đói để xem lòng họ như thế nào. Họ đã hướng về Ai cập và khao khát bánh bên ấy mà bỏ quên Thiên Chúa (x. Xh 16,3). Tuy nhiên, sau đó Người đã nuôi họ bằng manna để cho họ biết là họ không phải lìa bỏ Thiên Chúa như thế để chỉ đi tìm kiếm bánh ăn. Người đã lo lắng cho tất cả và muốn họ trung tín giữ các giới răn của Người (x. Đnl 8,2-3). Chúa Giêsu không bị Thiên Chúa mà ma quỷ thử lòng. Nó muốn Người dùng quyền làm con của Thiên Chúa (4,3; 3,23) để tự cung cấp bánh ăn cách độc lập với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn Người vào hoang địa chịu thử thách, có nghĩa là Thiên Chúa cũng muốn Người chịu đói. Do đó, nếu dùng quyền làm Con Thiên Chúa để làm đá thành bánh mà ăn là làm điều nghịch với Thiên Chúa. Sau nầy Người sẽ dạy là đừng để lòng vào chuyện ăn uống (12,19), và phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và chuyện của Người trước tiên (x. 12,31).

Cám dỗ về quyền lực (4,5-8). Bối cảnh là ma quỷ chỉ cho Chúa Giêsu thấy tất cả các vương quốc trên trần gian, và hứa ban cho vinh quang và quyền lực của các nước ấy nếu Người thờ lạy nó. “Trần gian” nầy không phải là vương quốc của Thiên Chúa, mà của con người (x. 2,1; 21,26). Và vinh quang cũng như quyền lực cũng thuộc về trần gian nầy, chứ không phải là của Thiên Chúa. Quyền năng của ma quỷ ở nơi những người bắt bớ Chúa Giêsu và các môn đệ (x. 12,11; 20,20; 23,7). “Bái lạy” là hành vi diễn tả sự lệ thuộc và tùng phục một người có quyền lực cao hơn. Có thể gọi những người ấy là “chúa” hoặc “ân nhân” (x. 22,25). Động từ nầy chỉ được dùng ba lần trong Luca: hai lần ở đây và một lần là các môn đệ bái lạy Người sau khi Người đã sống lại (24,52). Vinh quang và quyền năng của Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha: quyền năng (x. 4,32.36; 5,24;); vinh quang (9,26.31; 19,38; 21,27). Ở đây ma quỷ muốn trao quyền lực trần gian cho Chúa Giêsu với điều kiện; trong khi Chúa Giêsu sẽ ban cho các môn đệ của Người quyền năng trục xuất ma quỷ (9,1.19). So với Đnl 6,13 hay 10,20, trong câu kinh thánh được trích dẫn, chữ “kính sợ” được thay thế bằng chữ “bái lạy” và chữ “chỉ một mình” (thờ lạy Người) được thêm vào để làm mạnh nghĩa sự độc nhất của việc thờ phượng. Vì vinh quang và quyền năng của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, Người chỉ phục vụ và bái lạy một mình Người (x. 16,13). Vậy, Người không đổi Vị mà Người phải tôn thờ để nhận lấy vinh quang và quyền năng của trần gian.

Cám dỗ về thử thách Thiên Chúa (4,8-12). Bối cảnh là ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên Giêrusalem và đặt Người trên nóc đền thờ. Nó thách thức Người gieo mình xuống, vì với tư cách là Con Thiên Chúa sẽ có các thiên thần tay đỡ tay nâng. Một lần nữa ma quỷ nại đến danh nghĩa “Con Thiên Chúa” như trong cám dỗ lần thứ nhất. Điều ma quỷ quan tâm không phải là phép lạ có xảy ra hay không, mà là tương quan giữa Chúa Giêsu với Cha của Người. Trong cám dỗ lần thứ nhất, đứng trước một vấn đề đang cần thiết là bánh ăn khi đói, Chúa Giêsu đã không làm phép lạ. Phương chi trong lần nầy “gieo mình xuống từ nóc đền thờ” là làm một điều nguy hiểm không cần thiết, Chúa Giêsu càng không thể làm. Người xem đó là thách thức Thiên Chúa (4,12). Thách thức Thiên Chúa là đòi hỏi những bằng chứng phép lạ Người làm để có thể tin. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ma quỷ là câu Thiên Chúa đã nói với dân Israel (Đnl 6,16), sau khi họ đã thử thách Người tại Massah; tiếng nầy có nghĩa là “thử thách” (x. Xh 17,1-14). Tại đó, dân chúng đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa và Môsê. Họ không tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, vì họ không có nước uống tại Massah, mặc dù Người vẫn ở với họ và đã thực hiện những điều kỳ diệu cho họ (Đnl 6,15). Thách thức nầy sẽ lập lại cho Chúa Giêsu (x. 11,16.29-30; Mc 8,11) ngay cả khi Người đang bị treo trên thánh giá (23,35.37.39; Mk 15,36). Phần Chúa Giêsu, Người luôn tin tưởng vào Cha của Người, ngay cả khi phải chết tại Giêrusalem để thi hành ý muốn của Người (x. 23,46).

Ảnh hưởng của ma quỷ trên con người là không thể chối cãi. Tuy nhiên, nó không thể tách con người ra khỏi Thiên Chúa, nếu con người biết dùng Lời Chúa để chống lại mọi cơn cám dỗ của nó.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến