27Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang lắng nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29Ai vả má anh bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác.
36“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.
ANH EM SẼ LÀ CON ĐẤNG TỐI CAO
Vua thành Bátđa tên Almamun có một con ngựa Ả-rập rất đẹp. Tù trưởng Omah khao khát mua con vật này. Ông xin đổi hàng chục con lạc đà lấy con ngựa, song Almamun từ chối. Tức giận, Omah quyết định dùng thủ đoạn gian trá để chiếm con ngựa cho bằng được. Biết con đường Almamun hay đi qua lại, Omah giả trang thành kẻ hành khất đau nặng nằm rên bên lề. Vốn là người rất nhân hậu, nên khi thấy bệnh nhân, Almamun xuống ngựa và đề nghị y đến quán trọ gần nhất. “Ối trời ơi, người ăn xin rên rỉ, đã mấy ngày nay không có gì ăn, tôi chẳng còn sức đứng dậy đi nổi !” Động lòng thương, Almamun vực kẻ ăn xin dậy và đặt lên ngựa của mình. Ngay khi vừa ngồi lên yên ngựa, tên hành khất giả bèn phi như bay. Almamun chạy theo, yêu cầu đứng lại. Lúc đã ở một khoảng cách an toàn, Omah dừng ngựa và ngoái đầu nhìn Almamun. Almamun la lớn: “Ngươi đã ăn trộm ngựa của ta, ta chỉ xin ngươi một điều” – “Điều gì ?” – “Xin ngươi đừng kể cho ai biết cách ngươi chiếm được ngựa nhé” – “Tại sao ?” – “Bởi lẽ ngày nào đó có một bệnh nhân thật sự nằm bên vệ đường, nếu thủ đoạn của ngươi được mọi người biết, ta lo sợ thiên hạ sẽ đi ngang qua bệnh nhân đó mà không hề giúp đỡ, đoái hoài đến anh ta !”
1. Nhờ tiếp nhận những lời cứng cỏi Chúa nói
Câu chuyện có thể là ngụ ngôn trên đây cho ta thấy một tâm hồn đã thắng được lòng thù oán. Dẫu bị lừa cách đau đớn, Almamun vẫn còn đủ cao thượng để tha thứ và phòng trước tai họa cho những kẻ bất hạnh đích thực về sau. Thành thử nếu bạn có một kẻ thù, câu chuyện vừa rồi và bài suy niệm hôm nay dành cho bạn: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” Đừng lật trang, hãy đặt trước mắt những lời khiến bạn bực bội. Người ta không chọn lựa các lời của Chúa. Những lời cứng cỏi nhất, như lời trên đây, muốn sản sinh trong ta một người con của Đấng Tối Cao.
Hãy dừng lại đó nếu một nỗi oán thù thiêu đốt bạn, nếu một sự bất công làm bạn không thể chịu đựng nổi, nếu bạn hãi sợ, nếu bạn cảm thấy một niềm kinh tởm mênh mông. Có lẽ người ta đã cố gắng nói với bạn là hãy khôn ngoan; và vì bạn là Ki-tô hữu, nên họ còn nói về lòng bác ái huynh đệ, về việc Đức Giê-su dạy tha thứ cho kẻ thù. Đáp lại, bạn đã giải thích dài dòng sự bất công, bạn đã mô tả con người đê tiện, kẻ phá vỡ một hạnh phúc. Thế mà người ta bảo bạn hãy yêu thương hắn ! Làm điều thiện cho hắn !
Hãy dừng lại đó nếu có một lòng thù ghét kém mãnh liệt hơn nhưng bao gồm cả một lô người mà bạn không thể “ngửi” được: những cán bộ tham nhũng, những ông chủ bất công, những hữu trách độc tài… Khi nghe bạn, thiên hạ bảo: “Con người cay đắng quá !” Mà đó lại là một Ki-tô hữu, một tu sĩ, một linh mục giảng về lòng bác ái khá hay…
Khi sự ghét cay đắng chiếm lấy chúng ta như cơn bệnh, thì một tác động của ân sủng đôi lúc cho ta ước muốn chữa lành, làm một bước tiến, hay ít nhất cũng cố tìm lại bằng an cho tâm hồn, xua đuổi tư tưởng xấu, tất cả cuốn phim nội tâm về lòng thù hận. Không thể được ! Chống lại cái đó, thì ba bốn chữ của Tin Mừng có thể làm được gì ?
Ngoài ba bốn chữ “Hãy yêu kẻ thù”, còn có việc đi vào tình yêu. Một chọn lựa nào đó có thể giữ ta khỏi mọi cừu hận, hay giúp ta ra khỏi đó dễ dàng hơn nếu ta để mình bị lời Chúa nắm bắt.
2. Nhờ đi vào tình yêu chân chính Chúa dạy
Để ta sống thường thường trong tình yêu, Đức Giê-su bảo ta đề phòng một lòng tử tế dễ dãi vốn khiến ta tin rằng mình đã chọn lựa yêu thương. Người mổ xẻ chúng ta gần như kiểu phẫu thuật để đi tới tận căn của ảo tưởng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế !”
Rõ ràng, hết sức rõ ràng. Nhiều kẻ tưởng mình tốt bao lâu còn được đối xử tử tế, đã nhanh chóng đánh mất lòng tử tế của họ: “Hắn ta thậm chí chẳng thèm hồi âm các lời chúc Tết của tôi, tôi sẽ không đời nào viết cho hắn nữa… Cô ấy đã nói với tôi bằng một giọng đến độ mọi sự chấm dứt giữa chúng tôi…” Cũng có những lòng tốt cần một máy tính bỏ túi : “Họ đã mời chúng ta ba lần còn chúng ta mới mời hai lần, phải nghĩ tới chuyện mời họ lần nữa… Bà ta đã tặng cho thằng bé nhà mình 50 ngàn, sẽ phải cho lại chừng ấy, nhưng nhà họ lại có bốn đứa con !…”
Tại sao lần lữa trong những thái độ ti tiện bủn xỉn như thế ? Vì ta tưởng mình sống với một lòng tử tế gần như kiểu Tin Mừng đang lúc thực sự chỉ tiết ra một không khí “có qua có lại” và “siêu nhạy cảm” (gọi là “danh dự” !). Khi trong một bầu khí như vậy, có nhiều “kẻ thù” đích thực nổi lên, nhiều bất công, nhiều phản bội, nhiều thóa mạ khiến ta bị tổn thương nặng nề, thì lớp sơn tình huynh đệ mỏng tanh của ta không cự lại nổi, sự ghét cay ghét đắng có thể ùa vào nơi đâu chẳng có tình yêu đích thực. Khi ấy đọc Tin Mừng chỉ vô ích. Ta đâu ở trong trạng thái nghe Đức Giê-su, vì trong thực tế ta đã chẳng khi nao nghe Người, đã chẳng bao giờ lựa chọn tình yêu.
Có nhiều hạt giống Tin Mừng không thể mọc lên bất cứ nơi đâu. Chẳng ai thoát khỏi cơn cám dỗ thù ghét, nhưng chỉ ai thường sống trong tình yêu mới tìm được sức mạnh chống lại cám dỗ ghê gớm ấy. Và nếu sa ngã, kẻ ấy vẫn sẽ có thể nghe Đức Giê-su chứ chẳng đắm chìm.
Thay vì chỉ đề ra một phương thuốc cho tai nạn dọc đường (như bài hát khá nổi tiếng của Lê Hựu Hà: “Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta…” hay như một câu châm ngôn : “Hãy cứ yêu thương ai đã làm điều ác cho bạn”), Đức Giê-su cho ta thoáng thấy một kiểu sống trong đó tình yêu được coi trọng đến độ nó nâng chúng ta lên tới Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao: anh em sẽ là con Đấng Tối Cao. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.
Không có chuyện công bình, khôn ngoan, hay bác ái ở các giới hạn của chúng ta, nhưng là vô giới hạn trọn vẹn. Sự vô giới hạn được đề nghị bởi Đấng sẽ yêu trên thập giá những kẻ sẽ đối xử với Người như những ai ghê tởm chúng ta đối xử với chúng ta: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm.” “Thế mới biết, khi Chúa Cha yêu thương phường vô ân và quân độc ác, tình yêu ấy đã dẫn Người đi tới tận đâu: Người đã không từ chối ban chính Con Một mình. Tình yêu của Chúa Cha đối với mọi phàm nhân đã hóa thân trong con người Đức Giê-su” (Rey Meynet).
Nếu chúng ta không đi đến những chiều sâu ấy, thì kẻ bất công, bất xứng, đê tiện sẽ chẳng biết cái họ làm. Về phần mình, chúng ta được yêu cầu hãy đi lên những đỉnh cao xa lạ với chúng ta: những đỉnh cao của Thiên Chúa, Đấng “vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Nếu dù không hiểu rõ lòng siêu nhân hậu đó, ta cũng cố gắng hơi “như Người” một chút, thì phần thưởng của chúng ta sẽ vô cùng to lớn: chúng ta đã biến đổi quả tim, chúng ta đã đi vào tình yêu, một tình yêu đích thực, một tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi chúng ta bỏ mình (bỏ tiền bạc, bỏ thời giờ, bỏ sợ hãi, bỏ an nhàn, bỏ an ninh, thậm chí bỏ cả mạng sống) nhưng bao giờ cũng ban cho chúng ta bình an và niềm hãnh diện.