Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm B: Mc 13,24-32

14/11/2024

 24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng: “Trong những ngày ấy, sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, 25 các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

            28 “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. 29 Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. 32 Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

NGƯỜI SẼ ĐẾN VÀ NGƯỜI ĐANG ĐẾN

            Chương 13 Tin Mừng Mác-cô (thường được gọi là “Diễn từ Cánh chung”, kể từ câu 5 đến hết, c. 37) đã được trích đọc vào Chúa nhật 1 Mùa Vọng (cc.33-37) để khai mạc năm phụng vụ B, mà cũng được trích đọc hôm nay để kết thúc năm phụng vụ này. Bài Tin Mừng hôm nay là thành phần của Diễn từ Cánh chung đó.

            Sau các câu 5-13 bàn tới các nguy hiểm khác nhau và các câu 14-23 mô tả cơn thử thách tột đỉnh của các tín hữu là đến đoạn văn ta đang suy niệm. Trên cái nền u tối vừa thấy, bản văn diễn tả cuộc chiến thắng cuối cùng của Con Người, cuộc quy tụ vĩ đại của toàn thể nhân loại; nó đồng thời trở lại với câu hỏi đã khiến Đức Giê-su nêu lên Diễn từ Cánh chung: “Bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả sắp đến lúc tận cùng, thì có dấu hiệu gì báo trước?” (c.4).

            Bản văn sử dụng ngôn ngữ khải huyền (đã có từ trong Cựu Ước) là một ngôn ngữ có những nét đặc trưng: không được hiểu các chi tiết theo mặt chữ, bao giờ cũng hướng về tương lai, hướng về chung cục, “ngày của Đức Chúa”, lúc Thiên Chúa toàn thắng, và sau hết nhắm mục đích giúp tín hữu vượt qua các quẫn bách hiện thời.

1. Đức Ki-tô đang đến với chúng ta

            Trước tiên, Đức Giê-su nói: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống.” Đó sẽ là kết thúc của một lịch sử rất dài, vốn đã khởi đầu với “big-bang”, vụ nổ lớn nguyên thủy làm phát sinh vũ trụ. Kinh Thánh đã kể điều không thể kể này với nhiều từ của loài người: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất… Người làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao” (St 1,1.16). Cũng với các từ của loài người chúng ta mà Đức Giê-su đã gợi lên cảnh tận thế trong thể văn khải huyền truyền thống, với cùng bộ tam: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, nghĩa là thế giới, vũ trụ. Lúc khởi đầu đã nổi lên một thế giới với không gian và cuộc tiến hóa của nó qua bao thế kỷ. Lúc cùng tận sẽ nổi lên một thế giới khác, trong một không gian khác và sẽ tồn tại đời đời.

            Xuyên qua những dò dẫm, những đảo lộn, những khốn khổ, thậm chí những đại họa, lịch sử của vũ trụ luôn quy hướng về Con Người đang đến. Cuộc “tiến hóa” vật chất vô sinh rồi hữu sinh đã dẫn tới sự xuất hiện của con người. Với nội lực là tinh thần, con người từ đó thực hiện cuộc “văn hóa” (động từ), cố gắng biến mọi sinh hoạt của mình và thế giới quanh mình nên tốt (thiện), đúng (chân) và đẹp (mỹ). Nhưng công cuộc này đã chẳng mấy thành công, duyên do là vì tội lỗi và cái chết. Cần phải có một nội lực mới mẻ, nội lực Thánh Thần, đã được Ngôi Lời nhập thể mang lại, để nâng đỡ cuộc văn hóa và chuyển nó thành cuộc “thánh hóa”. Công cuộc thánh hóa này đưa con người tới Con người mới (x. Ep 2,15), hay nói cách khác tới Con Người mà trong đó tất cả nhân loại được quy tụ, có Đức Ki-tô phục sinh là đầu, về với Thiên Chúa Đấng Thánh là Chân, Thiện, Mỹ đích thực.

            Và đó là điều mà bản văn Kinh Thánh hôm nay muốn trình bày cho ta. Nó không tìm cách làm chuyện khoa học (như ta có thể thoạt nghĩ qua những hình ảnh mô tả) nhưng làm chuyện tôn giáo, nó mạc khải dự định của Thiên Chúa là: như đã có một khởi đầu, Sáng tạo, thì cũng sẽ có một kết thúc và một tái khởi đầu in dấu cuộc Quang lâm (đến trong vinh quang) của Đức Ki-tô: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn.” Đây là điều chủ yếu, là không gian mới, là lịch sử mới: mọi người đều sống vĩnh cửu với Đức Ki-tô.

            Một Đức Ki-tô mặc lấy những chiều kích đích thực của mình (chiều kích vũ trụ): chính Người là kết điểm của thế giới chúng ta, chính Người là khởi điểm của thế giới mới, chính Người là tụ điểm, là vĩnh cửu. Mác-cô đã viết Tin Mừng của ông để nói với ta rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Làm sao diễn tả điều ấy tốt hơn nữa ? Thì với nhãn quan này: Đức Giê-su Ki-tô sẽ đến, Người sẽ tổ chức lại mọi sự, và đó sẽ là sự sống vĩnh cửu, đời đời.

            Không quan trọng mấy những điểm tối tăm, khó hiểu ở cuối bản văn: như việc Đức Giê-su chẳng biết ngày giờ cùng tận và nghĩa chính xác của thành ngữ “thế hệ này”. Chớ hoang mang về chuyện vô tri này, đó chỉ là cực điểm của mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giê-su Ki-tô sẽ là vĩnh cửu của chúng ta, nhưng lúc nói ở đây, ngay trước khi bước vào cái chết, Người không biết ngày và giờ của big-bang cuối cùng được ! Dầu sao chỉ có một chuyện đáng kể: “Thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự trong đám mây mà đến,” Cuộc Sáng tạo đã được thực hiện là để hướng về cuộc Quang lâm. Lịch sử đi qua một tiến trình “tam hóa”: từ tiến hóa sang văn hóa rồi đến thánh hóa, một công cuộc kết thúc với việc Đức Ki-tô tái xuất hiện huy hoàng.

             Nhân loại được sinh ra cho buổi sáng rạng ngời nầy. Lịch sử của loài người là sự cưu mang, là sự chuẩn bị cho cuộc đản sinh thứ hai và chung quyết của họ, sinh vào thế giới của Đức Ki-tô, thế giới của Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, bất chấp những nước mắt, những đêm tối và những tiếng kêu thét, loài người đang sống một mùa xuân, phải dám khẳng định điều này, cành cây uốn mềm và lá cây xuất hiện. Chỉ Thiên Chúa mới có thể thấy điều đó và mới có thể nói một ngày kia: “Ta sắp làm mùa hè cho các con rồi”.

2. Chúng ta đang tiến đến cùng Người

            Phần chúng ta, chúng ta phải tin vào mùa hè, tin rằng Đức Giê-su “ở ngay ngoài cửa”. Theo nghĩa là hết thảy những gì được loài người sống từ khởi thủy đang tiến đến ngày và giờ sẽ biến mất thế giới cũ và sẽ khởi đầu một thế giới mới, thế giới mà Cha chúng ta trên trời đã mơ ước cho loài người và đã tổ chức chung quanh Đức Ki-tô.

            Chúng ta đang tiến về cùng tận. Trước hết về cùng tận của riêng mình. Dẫu chúng ta già hay trẻ, Đức Ki-tô vẫn đứng ngoài cửa chúng ta; mỗi ngày đều loan báo ngày sau hết, mỗi ngày biên giới giữa đời này với đời sau càng trở nên mỏng hơn nữa. Đây chẳng phải là một cái nhìn đầy hãi sợ song là một cái nhìn thanh thản, nếu quả thật là chúng ta tin vào mùa hè. Mùa hè của chúng ta khi chúng ta đặt chân vào thế giới của Đức Giê-su, một mùa hè kỳ diệu khi nổi lên trống kèn loan báo cuộc đại phục sinh của toàn thể vũ trụ.

            Nhưng đâu là mùa xuân hiện thời của tôi ? “Anh em hãy tỉnh thức !” (Mc 13,37), Đức Giê-su nói vào cuối diễn từ. Có nghĩa là ở trong tình trạng chuẩn bị cho mùa hè vĩnh cửu. Người đã mạc khải cho ta ý nghĩa của thời kỳ ta đang sống: đấy là thời kỳ chờ đợi, trong đó môn đệ phải là kẻ canh thức, trông ngóng chủ trở về (13,35). Đấy là thời kỳ đầy mơ hồ cần biết phân định, và chúng ta được mời gọi phải canh phòng cần mật, chớ để mình bị phỉnh gạt chạy theo những Ki-tô trả giá (x. 13,6.22). Đấy là thời kỳ phấn đấu và chịu bách hại (x. 13,9-13), thời kỳ chuyển bụng của một thế giới đang đau đớn trước khi sinh con. Đấy là thời kỳ được ban cho các chứng nhân để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân mọi nước (x. 13,10). Đấy là thời kỳ của Thần Khí, Đấng hướng dẫn miệng lưỡi các vị tử đạo (x. 13,11). Đấy là thời kỳ để thực thi lòng bác ái hầu chuẩn bị cho và chuẩn bị đi vào thế giới yêu thương của Cha trên trời.

            Vậy phải chăng các cành của tôi trở nên xanh tươi nhờ tình yêu đối với anh em ? nhờ lòng can đảm bênh vực sự thật ? nhờ ý chí chống lại thế gian dối trá ? Phải chăng các hành vi công bình và quảng đại của tôi đã đâm chồi, các thái độ hiên ngang vì công lý và cương quyết chống bạo quyền của tôi đã nảy lộc ? Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ mình Chúa mới có thể làm cho các ngày sống của con thành những ngày vừa đầy sự sống vừa đầy chờ đợi. Xin biến chúng con thành những người canh thức cho thế giới, những kẻ nhắc nhân loại biết sẽ có ngày tất cả sẽ được tính sổ, thanh tẩy và hoàn thiện. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin hãy đến, xin hãy đến mỗi sáng trước buổi sáng vĩ đại cuối cùng. Maranatha !

Ý NGHĨA SỰ TUẪN GIÁO CỦA

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

            1- Gian khổ, con đường làm chứng cho Chúa Ki-tô tử nạn

            Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su Ki-tô đã loan báo cho các Tông đồ và các môn đệ mọi thời rằng ai bước theo Người cách đích thật chắc chắn sẽ phải chịu bách hại: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,30). Chúa còn cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18). Với thói quen trình bày sự thật một cách thẳng thừng và toàn vẹn, Chúa đã chuẩn bị cho môn đệ mình đón nhận điều tồi tệ nhất: “Em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,21-22).

            Đó là vì các môn đệ sẽ phải làm chứng về Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời, Đấng luôn đòi hỏi nhân loại nên thánh thiện như Người, nghĩa là yêu thương đến tột độ; và làm chứng về Đức Kitô chịu đóng đinh, “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Nghĩa là công bố cho mọi người tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, thể hiện qua việc cứu rỗi thế gian nhờ Thập giá Đức Ki-tô, một mầu nhiệm lớn lao và cùng lúc không thể hiểu được đối với loài người.

            Để làm được điều ấy, một điều hầu như luôn luôn kéo theo sự bắt bớ, Ki-tô hữu cần có sự khôn ngoan và sức mạnh từ trời cao. Đó là Chúa Thánh Thần: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói gì; không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

            Điều đó đã xảy ra thời các Tông Đồ. Điều ấy cũng đã lặp lại trong các thời đại khác nhau của lịch sử, ở nhiều lúc và nhiều chỗ khác nhau, trong các cuộc bắt bớ khốc liệt, đặc biệt suốt ba thế kỷ đầu của Giáo hội bên Tây phương.

            2- Các Thánh Tử đạo VN, những tay gieo của Thiên Chúa:

            Giáo Hội Việt Nam suốt ba thế kỷ đầu của mình cũng đã chịu nhiều cuộc bách hại liên tiếp như thế, với một vài lúc ngưng nghỉ, kể từ năm 1533, nghĩa từ khởi thủy việc rao giảng Tin Mừng ở Đông Nam Á. Đã có hàng trăm ngàn Ki-tô hữu bị đưa tới pháp trường, và nhiều hơn thế là những kẻ đã chết trên núi, trong rừng, nơi những vùng đất độc hại mà họ đã bị đày đến, nơi những thôn làng Công giáo bị quan quân bủa vây, nơi những ngôi nhà thờ bị Văn Thân lùa tín hữu vào đó rồi phóng hỏa. Dù được phong thánh ngày 19-06-1988 chỉ vỏn vẹn 117 vị, trong đó có 8 Giám mục, 50 Linh mục và 59 giáo dân.

            Việc sống đạo và chết vì đạo của các ngài đã xảy ra trong những tình thế rất phức tạp.

            – Trước tín ngưỡng nhân gian và tam giáo Đông Phương (Khổng, Phật, Lão) thần thánh hóa đủ thứ, từ con người đến động vật và ngay cả núi sông cây cỏ, các vị tử đạo đã rao giảng một Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, chủ tể muôn loài, và chẳng có thần linh tối cao nào ngoài Người cả.

            – Trước “đạo ông bà” thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc như thần thánh, các vị tử đạo vẫn cổ vũ lòng tôn kính tiên tổ và tiền nhân đúng đạo hiếu dân Việt, nhưng lòng tôn kính này phải đặt sau việc tôn thờ bái lạy Thiên Chúa.

            – Trước quan niệm bình dân cho rằng tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành và Công giáo là đạo của phương Tây, các vị Tử đạo cho thấy Công giáo là đạo dành cho hết mọi người và có tính cách siêu việt, mạc khải những điều cao cả từ nơi Thiên Chúa.

            – Trước đầu óc phong kiến, coi nhà vua như Thiên tử (con Trời) và hết thảy con dân trong nước đều là thần dân (tôi tớ), các vị tử đạo rao giảng giáo lý: tất cả ai nấy đều là con Trời, và vì vậy đều có phẩm giá như nhau.

            – Trước thói tục đa thê hoành hành trong mọi tầng lớp xã hội, từ vua quan đến thứ dân, các vị tử đạo rao giảng nền luân lý đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (sống với nhau cho đến chết). Một nền luân lý cao đẹp, có sức nâng cao nhân phẩm và biến đổi xã hội mãnh liệt.

            – Trước hoàn cảnh chính trị đất nước phức tạp (các triều đại tranh quyền với nhau, Thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, giặc giã nổi lên nhiều chỗ…), các vị tử đạo nhiều lần bị nghi ngờ theo Tây, theo giặc, nhưng các ngài đã luôn chứng tỏ lòng trung thành với đất nước và trung thực với chính quyền. Ngay các vị thừa sai tử đạo cũng đã không bao giờ phục vụ cho quyền lợi của đất nước họ.

            Chính đó là những thách thức đối với vua chúa lẫn xã hội đương thời, và trở nên lý do khiến các ngài bị bách hại.

            Các thánh Tử Đạo Việt Nam như thế là những người gieo của Thiên Chúa mà Thánh vịnh đã 126 [125] đã ám chỉ: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo” (c. 5). Nước mắt và máu của các ngài đã tưới vào hạt giống Tin Mừng, hạt giống ân sủng, để ơn huệ Đức tin có thể trổ sinh dồi dào: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

            3- Các Thánh Tử đạo VN, những thợ gặt của Nước Trời:

            Và từ những đau khổ lẫn tuẫn giáo của các ngài, “mùa gặt của Chúa” đã tới. Thánh vịnh trên tiếp đến gọi các vị Tử đạo là những thợ gặt: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126[125], 5-6).

            Mùa gặt đó, lúa vàng đó, hoa trái đó chính là sinh lực của Giáo hội VN, là khả năng và lòng kiên nhẫn của Giáo Hội VN để đương đầu với các khó khăn đủ loại và để công bố Tin Mừng suốt bao thế kỷ qua.

            Máu các thánh Tử đạo đã là nguồn ân sủng để Ki-tô hữu đất Việt tiến lên trong Đức tin của tiền nhân. Đức tin ấy đã là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt, trung thành với nước Việt, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô.

            Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu kính sợ Thiên Chúa, yêu thương mọi người, tuân phục chính quyền và các định chế của xã hội trong những gì chính đáng vì lòng mến Chúa.

            Đức tin ấy đã kêu gọi Ki-tô hữu làm điều thiện, ứng xử như những con người tự do (x. 1Pr 2,13-17), tìm kiếm thiện ích chung của quê hương như một nghĩa vụ chân thành của công dân Ki-tô hữu, trong niềm tự do công bố sự thật của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và các đồng đạo, trong ước vọng sống an bình với mọi người khác để thành tâm xây dựng thiện ích cho tất cả.

            Và đó là điều mà chúng ta đã thấy từ thời các chứng nhân Tử đạo cho đến hôm nay trên đất Việt, qua vô vàn chứng nhân Ki-tô hữu Việt Nam khác nữa.

            Kết

            Các Thánh Tử đạo đã trở nên những của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế Thập giá của Đức Kitô khổ nạn. Các ngài đã là chứng nhân cho chiến thắng của Đức Kitô trên tử thần, cho ơn gọi của con người là được bất tử! Nhờ thế các ngài đã thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện, và nay đang được hạnh phúc muôn đời. Đúng như sách Khôn ngoan 3,5-9 đã nói về họ.

            Là con cháu, là hoa trái của các ngài, chúng ta cũng được hứa hẹn những điều như thế nếu chúng ta tham gia vào thống khổ và thập giá của Đức Ki-tô, để thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện. Và như vậy, mùa gặt của các Thánh Tử đạo Việt Nam sẽ kéo dài mãi trong hân hoan qua tất cả chúng ta!

            Lm Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế.

            Cảm hứng bài giảng của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô trong Thánh lễ phong hiển thánh cho các chân phước tử đạo Việt Nam ngày 19-06-1988