28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”. 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
TÌNH YÊU: ALPHA VÀ OMÊGA CỦA CUỘC SỐNG
Trong bối cảnh của một cuộc tranh luận, Đức Giê-su được một kinh sư phái Pha-ri-sêu hỏi ý kiến: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu”. Người đáp lại: tình yêu là quy tắc hàng đầu của mọi cuộc sống tôn giáo.
Trong hai thế kỷ đầu, các rabbi, lấy lại cách phân loại của tiền nhân, đã tính ra có tới 613 giới răn trong Lề luật Do-thái: 365 giới cấm và 248 răn buộc. Trong các giới răn này, một số được gọi là “trọng” hay “lớn”, số khác thì “nhẹ” hay “nhỏ”. Và pháp học Do-thái đã cố gắng xác định xem điều khoản trọng nhất trong Lề luật là gì. Đó là lệnh cấm thờ ngẫu tượng (sách Talmud), là lệnh cấm xúc phạm danh Thiên Chúa, cấm đổ máu, cấm loạn luân, cấm lỗi hưu nhật, cấm giết người (văn chương Do-thái) v.v… Do-thái giáo đã không thể thấy sự ưu đẳng của giới luật tình yêu, vì tất cả nền tu đức lẫn cuộc sống của nó bị một quan niệm duy luật tỉ mỉ thái quá ám ảnh. Mà giả như có chăng nữa, ví dụ qua câu nói “Điều gì không làm hài lòng anh, thì chớ làm cho đồng loại anh điều ấy. Đó là tất cả lề luật, mọi cái khác chỉ là giải nghĩa” (rabbi Hillel, 20 năm trước ĐKT), nền tu đức Do-thái vẫn in vết não trạng tiêu cực và bài ngoại : “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Đức Giê-su thành thử là người đầu tiên đã cho nổ tung những nền móng cũ, để lao mình vào một công trình xây dựng hoàn toàn mới.
1. Yêu mến Thiên Chúa vì Người là “Đức Chúa duy nhất”
Biết những lời nói của mình sẽ có uy lực hơn trước mắt vị kinh sư nếu chúng dựa vào Kinh Thánh là cái quen thuộc với ông, Đức Giê-su đã trích dẫn Đnl 6,4-5 và Lv 19,18.
Đnl 6,4-5 có hai điểm nổi bật : tuyên xưng mạnh mẽ đức tin độc thần (bởi thế nó được dân Ít-ra-en lấy làm kinh nhật tụng, kinh “Shema Israel=Nghe đây, hỡi Ít-ra-en”) và đề cao đặc biệt lòng yêu mến Thiên Chúa (yêu Người không hạn chế, đang khi Cựu Ước thường đề cập đến vấn đề “sợ hãi”, “làm tôi” Người). Tác giả sách Đnl hình như đã lợi dụng công trình tinh luyện thần học của các ngôn sứ; các ông này (đặc biệt Hô-sê) đã so sánh mối quan hệ giữa Ít-ra-en và Đức Chúa với mối quan hệ của một phụ nữ đối với chồng mình : mối quan hệ tình yêu chứ không phải là một nghĩa vụ có tính cách pháp lý hay tế tự. Thực vậy, Hô-sê đã cảm thức sâu xa rằng chẳng một tình cảm nào lôi cuốn con tim loài người cho bằng tình chồng vợ. Tình yêu này không đòi hỏi sự hỗ tương sao ? Vì thế tại sao qua tiếng nói của các ngôn sứ, Thiên Chúa đòi hỏi dân bất trung phải đáp trả tình yêu phu quân của Người. Đây là một luận cứ còn mạnh hơn ý niệm “phụ tính phổ quát” của Người nữa.
Vả lại, đó cũng là lý do mà thánh Gio-an đã ám chỉ để thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã mến yêu chúng ta… Chúng ta hãy mến yêu, vì Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trước” (1Ga 4,10.19).
Nhưng ở đây, qua lời tuyên tín độc thần của Đnl được Mc lấy lại, ta còn thấy thêm một lý do nữa. Lời tuyên tín đó là một khẳng định sinh tử, nhắm truyền cho các kẻ tin một động lực thiêng liêng chi phối cuộc đời của họ. Đức Chúa là “Đức Chúa duy nhất”, nghĩa là “đơn độc” trong thần tính giữa hết mọi thần mà người ta có thể tưởng tượng (x. 1Cr 8,5; Tv 82,1). Người là vị thần vĩ đại nhất, hoàn hảo nhất mà người ta có thể quan niệm (x. 2Sm 7,22). Nói cách khác, “Người là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đó là lý do mạnh nhất làm nẩy sinh trong phàm nhân cái tình yêu bộc phát thúc đẩy họ đi về với Thiên Chúa.
2. Yêu người thân cận như chính mình
Về việc yêu mến người thân cận, Đức Giê-su cũng lấy lại một công thức hoàn hảo của Cựu Ước : Lv 19,18.34. Tuy nhiên, từ đây không ai bị loại khỏi tình yêu phải thực thi như thế đối với người thân cận. Giới luật này bao gồm hết mọi giới răn Đức Ki-tô đã liệt kê ở Mc 10,19. Nhưng công thức của Mc 12,31 đã giản lược các điều khoản đa phức ấy thành một luật duy nhất, nhờ “tình yêu” là cái đơn giản hóa tất cả. Ngoài ra, công thức cũng nhắm truyền tinh thần và sự sống vào cho một bộ xương luật pháp chỉ chú ý đến việc hoàn thành các giới răn theo mặt chữ. “Mến yêu” chính là sức mạnh khiến chúng ta tận tâm làm điều thiện cho tha nhân và cho tha nhân được thỏa mãn. Chính đó là tinh hoa của các yêu sách Thiên Chúa đề ra. Tình yêu là sức mạnh của tâm hồn, sức mạnh “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, nhưng tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
Vẫn biết Tân Ước cũng đòi hỏi tình yêu phải được minh chứng qua những thực hiện cụ thể (x. Gc 2,15; 1Ga 3,17). Nhưng Tân Ước không chấp nhận rằng những thực hiện này là kết quả của một chủ nghĩa nhân bản, xã hội, kinh tế thuần túy, hay là phương tiện thỏa mãn lòng kiêu ngạo riêng tư. Ki-tô giáo mong muốn mọi hoạt động xã hội hay bác ái phải được thúc đẩy bởi sự hiến thân, hy sinh, từ bỏ và phải kèm theo thái độ khiêm tốn lẫn chú tâm tế nhị đối với những người túng thiếu. Như thế lòng tốt tự nhiên và chính sách kinh tế công bằng được đảm nhận trên bình diện cao hơn của đức ái đối thần. Người Sa-ma-ri nhân lành đã không bị một mối ưu tư xã hội hay pháp lý thúc đẩy khi thấy kẻ xấu số, nhưng là “chạnh lòng thương” (Lc 10,33). Hành vi bác ái không đáng gọi là “hành vi bác ái” nếu chẳng phát sinh từ cảm thức thâm sâu, tích cực mà ta gọi là “tình yêu”.
Tuy nhiên, cũng có mối nguy là tự mãn với những công thức tao nhã, bặt thiệp: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Đây là kết luận của một lối lý luận rất đơn sơ nhưng rất sắc bén của thánh Gio-an : “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17; x. Gc 2,14-17). Một tình yêu chân thật bắt ta đem hết tài năng và của cải ra mà phục vụ kẻ khác.
Dẫu thế, tình yêu mà Đức Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải có đối với người thân cận còn đi xa hơn nữa : “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Đối với chúng ta, đó là một bổn phận, một bắt buộc, một món nợ mắc với Đức Ki-tô vì người anh em. Chính trong khung cảnh này mà giới răn của Đức Ki-tô nằm vào và được nổi bật: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chỗ khác, Người còn thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13. Bản dịch Đại kết tiếng Pháp: hy sinh tính mạng cho những kẻ mình thương). Tựu trung, tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Ki-tô là Đấng “yêu thương các kẻ thuộc về mình đến cùng” (Ga 13,1). Yêu thương đến độ chết cho tha nhân (gương thánh Maximilien Kolbe).
Kết luận, có hai giới luật tình yêu và hai đối tượng khác nhau của tình yêu ấy: Thiên Chúa và đồng loại. Nhưng thực tế, đó luôn là vấn đề yêu. Yêu là sinh hoạt duy nhất đòi buộc con người: ở nơi con người chỉ có một tình yêu duy nhất, phát sinh từ cùng một khả năng. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gio-an, người chuyên môn nói về “yêu” mà chẳng luôn luôn phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu đồng loại.
Viên kinh sư đi tìm kiếm giới răn thứ nhất, và “Thầy tốt lành” đã chỉ cho ông một giới răn duy nhất: “yêu”. Ông đã hiểu được rằng thế là Thầy đã đặt nền tảng cho một tôn giáo mới “vượt quá mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (c.33; x. Ga 4,20-23). Về phía Đức Giê-su, Người nhận thấy kẻ đối thoại “không còn xa Nước Thiên Chúa”. Tuy nhiên ông ta vẫn chưa vào, vì hiểu giáo thuyết là một chuyện, đem ra thực hành giáo thuyết lại là một chuyện khác. (Viết theo M. Miguéns, Assemblées du Seigneur 62)
Cha Piô Pietrelcina (1887-1968), vị linh mục mang năm dấu thánh được phong hiển thánh tháng 6-2002, là một trong những mẫu gương tiêu biểu trong việc thực hành bài Tin Mừng hôm nay. Luôn được thiêu đốt bởi lửa yêu mến đối với Thiên Chúa và với tha nhân, Cha đã sống đầy đủ ơn gọi linh mục mỗi ngày mỗi trọn vẹn, để góp phần vào việc cứu rỗi loài người. Người thi hành sứ mệnh đó bằng ba phương thế: linh hướng để giúp các linh hồn nên thánh; ban bí tích hòa giải để đưa kẻ tội lỗi trở về; cử hành thánh lễ để sống kết hợp với Chúa Giê-su trên thánh giá. Về phương diện xã hội, cha Piô dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ, cùng cực của nhiều gia đình. Đặc biệt người đã quyết định thành lập “Nhà nâng đỡ sự đau khổ” tức bệnh viện San Giovanni Rotondo hiện nay. Đây là một trong những bệnh viện lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Ý, do Tòa Thánh quản trị. Về phương diện thiêng liêng, Cha đã thành lập các nhóm cầu nguyện liên lỉ mang tên “Vườn gieo đức tin và tổ ấm tình yêu”. Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã gọi các nhóm này là “Phong trào lớn lao của những người cầu nguyện”. Vào năm 2013, có khoảng 3.300 nhóm đã đăng ký ở 60 quốc gia (theo Wikipedia).