Chờ đợi Chúa đến – Suy niệm Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm B

27/11/2020

MC 13,33-37

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.

“Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

**************************************

CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN

Ngày kia, một sinh viên tới gặp thánh Philipphê Nêri. Anh say sưa nói về kế hoạch xây dựng tương lai đời mình. Anh sẽ học luật, sẽ thành luật sư… Thánh nhân hỏi: “Sau đó thì sao?” Chàng trai hăng hái trả lời: “Con sẽ tham gia bào chữa những vụ kiện lớn và sẽ thành công!” “Sau đó thì sao?”, thánh nhân hỏi tiếp. “Rồi con nổi tiếng, sống thoải mái, hạnh phúc, sang giàu, với vợ đẹp, con khôn!” “Rồi sao nữa?” Nghe hỏi tiếp, người thanh niên hơi bối rối: “Dĩ nhiên rồi con cũng sẽ chết như mọi người” Thánh nhân vẫn tiếp tục câu hỏi cũ: “Sau đó thì sao? Con sẽ là gì khi xuất hiện trước Tòa Chung thẩm? Khi con sẽ là bị cáo và Thiên Chúa là Quan án tối cao?”. Chàng trai im lặng cúi đầu. Từ đó anh suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống.

Cuộc sống mỗi người đều có một sứ mệnh do Chúa trao ban. Và sẽ có lúc Chúa đòi ta báo cáo, tính sổ, trả lẽ với Người trong ngày Người đến. Nhưng chúng ta không biết Chúa đến khi nào. Vì thế, phải luôn sống trong thái độ chờ đợi với tinh thần trách nhiệm và tâm hồn tỉnh thức.

1. Với tinh thần trách nhiệm.

Để ứng phó với vấn đề này, mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su bảo môn đệ “phải coi chừng, phải tỉnh thức”. Chữ tỉnh thức/canh thức” được Người lặp lại năm lần trong cả văn bản. Đây là khẩu lệnh của Người ngay trước khi ra đi, vì theo Mc, tiếp sau trang này, cuộc Khổ nạn khởi sự. Hôm trước khi vào vườn Ghet-sê-ma-ni, Người đã biết không môn đồ nào có thể đứng vững. Thế nhưng Người vẫn cố gắng dự phòng cho họ khỏi bỏ cuộc: hãy tỉnh thức, tỉnh thức… Thành ngữ “Phải coi chừng…” cũng được Đức Giê-su năng sử dụng trong một bối cảnh “chiến đấu”. Không thể canh thức mà không chiến đấu. Đây là một thứ chú ý cực độ khi gặp trường hợp nguy hiểm. Phải “coi chừng” để nghe lời Thiên Chúa (x. Mc 4,12), bằng không sẽ bỏ qua. Phải “coi chừng” để giữ mình khỏi “men Biệt phái”, bằng không nó sẽ len vào trong ta không nhận ra được (x. Mc 8,15; 12,38). Phải “coi chừng” kẻo tin vào những kẻ tiên báo tương lai như thể họ biết rõ (x. Mc 13,5.23).

Thánh Phao-lô cũng sẽ sử dụng cả một ngôn ngữ đầy kịch tính để nói về sự tỉnh thức. Ngài bảo phải “rứt mình khỏi giấc ngủ” (Rm 13,11), như thể hết thảy chúng ta đều bị cám dỗ nên đờ đẫn trì độn, giống trạng thái mụ người khi lạm dụng thuốc ngủ. Vâng, Kitô hữu có nguy cơ bị thiu ngủ lương tâm khiến phản ứng tự vệ không còn, khiến sa đà vào việc tìm kiếm lạc thú lợi danh… như tay tài xế bứ rượu nên lao mình vào chướng ngại vật. Lúc đó, phải “rứt mình” khỏi giấc ngủ! Và để nói về “tỉnh thức”, Phao-lô không ngần ngại sử dụng cả một ngữ vựng chiến đấu: phải cầm lấy các “khí giới” của sự thức tỉnh (x. Rm 13,12; Ep 6,11; 1Tx 5,6.8). Đúng thế, đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống các quyền lực mạnh hơn chúng ta, vì thế phải xin Đức Giê-su gìn giữ chúng ta tỉnh thức cho đến giờ Người xuất hiện.

Nhưng “Bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?”, môn đồ đã hỏi Đức Giê-su như vậy (Mc 13,4). Người không trả lời. Nhiều sấm ngôn đủ loại, mọi thời (như giáo phái Aum Shinrikiô cách đây nhiều năm bên Nhật) đã cố gắng tiên đoán ngày tận thế. Người không muốn ta mơ mộng về quá khứ lẫn tương lai nhưng cần chú tâm đến “hiện tại”: thành thử hãy tỉnh thức, hãy luôn luôn sẵn sàng: “Hãy cố sống mỗi ngày như thể bạn sẽ chết tối nay” (Charles de Foucauld)

“như người kia trẩy phương xa”, Thiên Chúa có vẻ “vắng mặt”! Hình ảnh thật đánh động, diễn tả trọn vẹn tâm tình chúng ta cảm thấy: lạy Chúa, Ngài đúng là “Xanh kia thăm thẳm tầng trên”! là Đấng hoàn toàn khác với những gì chúng con tưởng nghĩ! Nhưng ta cũng nhận thấy rằng, đối với Đức Giê-su, thời gian vắng mặt này trước hết không phải là một thời gian khổ đau hay khắc khoải, nhưng là một thời gian trách nhiệm: ai nấy đều nhận một chức vụ, ai nấy đều lãnh một việc làm. Người ta có cảm tưởng “Ông Chủ” này đã cố ý ra đi, để gia nhân thấy mình quan trọng, để họ không luôn luôn có ông chèn ép: nào, gánh lấy trách nhiệm đi, các anh đâu còn là trẻ con nữa; hãy quyết định, hãy suy nghĩ, tôi tin tưởng các anh… tôi trao cho các anh “trọn quyền”!

Tuy nhiên, nhiệm vụ “canh thức” được Ông Chủ giao người giữ cửa. Ban đêm, người này có một tầm quan trọng đặc biệt, vì để bảo vệ ngôi nhà khỏi bị tấn công, để không mở cửa cho bất cứ ai, và để là người đầu tiên mở cửa cho chủ khi chủ trở về. Khi phân biệt người “giữ cửa” khỏi các “tôi tớ” khác như thế, Đức Giê-su gợi ý rằng các mục tử Giáo hội đều đặc biệt được mời gọi “canh thức”: Phê-rô, Đức Giáo hoàng, các Giám mục là những người đầu tiên chịu trách nhiệm về sự tỉnh thức của toàn thể “dân Chúa”, như người giữ cửa canh thức cho tất cả nhà. Cộng đồng dân Chúa sẽ ra sao khi hàng lãnh đạo không dám phê phán những sai trái của trần đời, mà chỉ biết nói xuôi chiều để “được việc”?

2. Với tâm hồn tỉnh thức.

“Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến…”. Đã nói đến thời gian chủ vắng mặt, Đức Giê-su cũng loan báo thời gian chủ trở về. Chúng ta đang tiến tới cuộc gặp gỡ ấy. Một ngày nào đó, ta sẽ thấy Người diện đối diện, và sẽ thực sự biết Người như ta được biết (x. 1Cr 13,12). Đời kitô hữu là một hành trình tiến về gặp gỡ Đức Kitô.

Lúc nào? Có thể “là chập tối hay nửa đêm…”: Thật lạ khi Đức Giê-su chỉ gợi lên một cuộc trở về vào ban đêm! Nhưng ta biết, bên Đông phương cổ, vì đường sá nguy hiểm, thực tế thiên hạ chẳng bao giờ du hành ban đêm. Dẫu hơi khó tin, chi tiết này mang một ý nghĩa biểu trưng sâu đậm, ngập tràn Kinh Thánh: “đêm” là thời gian của bóng tối, thời gian của “quyền lực tối tăm” (Lc 22,53; Mc 14,49; Ep 6,12). Đêm thành thử là thời gian thử thách, thời gian cám dỗ… Chính đang đêm mới phải “tỉnh thức”! Cựu Ước từng chờ mong thời Đấng Mêsia như một thời đại trong đó tối tăm chấm dứt, để nhường chỗ cho ánh sáng: “Canh phu ơi, đêm đến đâu rồi?”, nói lên nỗi mong ước của mình, nhà ngôn sứ đã hỏi vậy (Is 21,11). Và để đem lại niềm hy vọng, thánh Phao-lô cũng từng bảo: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12). Để loan báo Giáng sinh, trong Thánh lễ vọng, Giáo hội đọc cho ta nghe bài thơ tuyệt diệu của Isaia (9,1): “Dân đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng lớn”. Và suốt mùa Vọng, chúng ta cũng hát: “Hỡi chư dân đang bước đi trong đêm dài, ngày sắp xuất hiện… Đã đến lúc ngửng đầu lên!”. Vậy hãy tỉnh thức trong gian khó, giữ niềm hy vọng cả khi chìm trong bóng tối, đứng vững cả khi mọi sự xem ra sụp đổ, vì bình minh mới trong đêm tối của ta là Thiên Chúa sắp tới để cứu dân Người. Chính đang đêm mà tin tưởng vào ánh sáng thì mới đẹp.

Cũng có thể chủ đến “lúc gà gáy…”: Đây là ám chỉ trực tiếp của Mác-cô về Phê-rô, thầy mình. Lúc áp cuộc Khổ nạn, áp đêm Ghet-sê-ma-ni, khi Phê-rô sẽ ngủ thay vì thức, lúc áp hôm bi thảm trong đó tiếng gà kêu sẽ nhắc Phê-rô nhớ rằng ông đã thiếu cảnh giác (x. Mc 14,72), Đức Giê-su đã nói với người “giữ cửa” Giáo hội phải canh thức. Nhưng ông sẽ không thực hiện việc này. Tội của Phê-rô, tội chối Thầy lúc gà gáy đó nêu bật cho ta thấy Giáo hội có tính cách nhân loại biết bao, đồng thời mời gọi ta chớ tự kiêu trước các yếu hèn của Giáo hội.

Phải luôn canh thức vì Thiên Chúa luôn “đến bất thần”, không chờ đợi, gây sửng sốt! Có thể nói rằng đó là dấu chỉ của Thiên Chúa đích thật: Người là Đấng Toàn-Tha mà! Mỗi khi ta tưởng đã khoanh vùng, đã hiểu rõ, đã dán nhãn được cho Thiên Chúa, thì chắc hẳn ta đã lầm lẫn về Người, đã lấy những ao ước của ta làm thực tại. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con đón nhận những lối hiện diện mới mẻ của Ngài, xin giữ chúng con sẵn sàng đón Chúa bất ngờ viếng thăm, kẻo Chúa đến mà “gặp chúng con đang ngủ…”. Xin cho chúng con biết ra khỏi giấc điệp thiêng liêng, sự hôn mê tâm hồn, biết cố gắng tạo một kiểu sống tích cực, cương nghị, thay vì để mình chìm vào trạng thái thiu ngủ. Vì Chúa đã luôn luôn hiện diện rồi, ở giữa các biến cố chúng con sống. Xin giúp chúng con tỉnh thức, chú ý đến sự hiện diện của Người. Xin giải thoát chúng con khỏi sự đờ đẫn, nguội lạnh, kẻo bỏ qua việc Chúa không ngừng đến với chúng con.

Lm Phê-rô Phan Văn Lợi