(Bài viết được lấy cảm hứng từ suy tư của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn – Giuse Nguyễn Năng với đề tài: “Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh”).
Nếu chúng ta đang loay hoay với từ ngữ “Hiệp hành” và cảm thấy mới lạ và chưa thẩm thấu được cách dùng này thì bài viết của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng ắt hẳn có khả năng đánh bật chúng ta ra khỏi dòng suy tư ấy, khi ngài viết “Để đi đúng hướng và đạt kết quả như Đức Thánh Cha Phanxicô mong đợi, cần xác định những điều thiết yếu, kẻo chúng ta lạc đường vì loay hoay với chữ nghĩa, lý thuyết, hay kỹ thuật thực hiện, hoặc bị chi phối bởi những bận tâm thái quá”. Chính điều này đã tạo động lực cho người viết thêm một lần nữa suy tư sâu hơn và nghiêm túc hơn về tinh thần Hiệp hành mà vị Cha chung, Đức Thánh Cha Phanxicô, đang cố gắng chuyển tải đến gia đình Hội thánh.
Trong tâm tình đó, nội dung bài viết này xoay quanh đề tài Lối sống Hiệp hành: Gặp gỡ – Lắng nghe – Phân định
* Gặp gỡ
Một chút lắng lòng, mỗi chúng ta được mời gọi nhớ lại những cuộc gặp gỡ trong cuộc đời chúng ta. Có ai có thể đếm được cuộc đời chúng ta đã đi qua bao nhiêu cuộc gặp gỡ? Đối tượng gặp gỡ? Mục tiêu gặp gỡ? Tên gọi của mỗi cuộc gặp gỡ? Trong tất cả các cuộc gặp gỡ đó, cuộc gặp gỡ nào đã góp phần làm thay đổi tích cực cuộc đời của chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta thêm phong phú, thêm yêu thương và thêm ý nghĩa?
Đọc lại Kinh thánh, chúng ta nhận thấy nhiều cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ trong Cựu Ước, có thể nói, Thiên Chúa vẫn ở trên cao, cho đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa đã đến thế gian, trở nên một con người thật sự, nói tiếng nói của con người và mang lấy thân phận như một con người mà còn là một thân phận bần cùng nhất của xã hội “…mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Với cuộc Nhập Thể này, Chúa Giêsu đã thực hiện những cuộc gặp gỡ… và những ai gặp được Ngài thì đều được ơn biến đổi: như cuộc gặp gỡ với bốn môn đệ đầu tiên: “lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1, 18); như cuộc gặp gỡ với tông đồ Mathêu, người thu thế: “Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9, 9); như cuộc gặp gỡ với vị tông đồ dân ngoại, Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21)…Hay như cuộc gặp gỡ với ông Giakêu, người thu thuế giàu có, đã sẵn sàng “chia phân nữa tài sản cho người nghèo và nếu đã chiếm đoạt của ai cái gì thì hứa đền gấp bốn” (Lc 19, 8).
Những sự biến đổi tạo nên sự ngạc nhiên cho nhiều người xung quanh. Câu hỏi có thể đặt ra? Điều gì nơi Chúa Giêsu có khả năng tạo nên những sự biến đổi này? Điều chúng ta có thể thấy và cảm nghiệm được, đó là một cuộc gặp gỡ đích thực, một sự gặp gỡ trọn vẹn, tròn đầy với sự lắng nghe của con tim yêu thương. Nơi đó, Chúa thấu suốt và nhận ra nhu cầu sâu thẳm của con người, mà đôi khi chính bản thân con người không thể nhận ra và Chúa đã lắp đầy những khao khát sâu thẳm ấy trong tâm hồn họ. Phải chăng đó cũng là mục tiêu gặp gỡ theo tinh thần Hiệp Hành? Một cuộc gặp gỡ thực sự và trọn vẹn. Một cuộc gặp gỡ có khả năng hướng tới việc cùng nhau lắng nghe và phân định.
* Lắng nghe
Trong tâm lý học, người ta thường phân biệt giữa nghe và lắng nghe. Tôi có thể đang nghe anh nói nhưng tôi có thể không thật sự đang lắng nghe anh. Trong tiếng anh phân biệt giữa nghe và lắng nghe bằng hai từ “hearing” và “listening”. Nghe là một hoạt động thụ động của quy trình sinh lý, không cần chú ý tập trung và như thế, mỗi ngày chúng ta có thể nghe rất nhiều loại âm thanh; trong khi đó lắng nghe là một hoạt động chủ động, có sự tập trung, chú ý và đòi hỏi sự đồng cảm và là một kỹ năng giao tiếp. Khi nói: “chúng ta đang lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau” diễn tả một hoạt động lắng nghe tích cực và có chủ đích.
Cũng thế, tinh thần Hiệp hành mời gọi chúng ta lắng nghe với cả khối óc và con tim; lắng nghe có chủ đích, lắng nghe với sự đồng cảm; lắng nghe những đối tượng đang bị gạt ra bên lề xã hội, những đối tượng đang bị tướt đoạt nhân quyền, những đối tượng đang gặp khó khăn thử thách về tinh thần và vật chất…Có thể, chỉ có lắng nghe chúng ta mới cảm nhận được nhu cầu của tha nhân giữa nhiều tiếng khác nhau trong nội tâm.
* Phân định
Theo như phân tích của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng thì gặp gỡ và lắng nghe thôi chưa đủ. Việc gặp gỡ, lắng nghe cần đi đến việc cùng nhau phân định. Bởi vì nếu chỉ dừng lại ở gặp gỡ và lắng nghe thì mọi thứ sẽ như cũ, cần được kết thúc với phân định, để con người có thể bước sang một trang sử mới tốt đẹp hơn. Sự phân định theo tinh thần hiệp hành là cùng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần để cá nhân có thể được chữa lành những thương tích trong tâm hồn khi nhận ra được Thiên Chúa yêu thương họ; và cá nhân có thể tìm lại được vị trí của mình trong toàn cảnh bức tranh của gia đình Hội thánh; và nhất là để tìm thấy mình đang cùng gieo bước hành trình trong sứ vụ của Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Thay lời kết
Gặp gỡ, lắng nghe và phân định có thể được xem là những phương thế hữu hiệu giúp các thành phần dân Chúa đưa mình vào lối sống Hiệp hành để cùng với Hội Thánh đi lại chính con đường Hiệp hành mà Chúa Giêsu đã chọn để đi vào trần gian. Lối sống ấy, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba.”
Nt. Anna Nguyễn Bảo Uyên, MTG Huế